Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn bán lẻ Target thông báo hacker đã xâm nhập vào hệ thống của hãng và ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của 40 triệu khách hàng. Một vài tháng sau, gần 152 triệu khách hàng khác bị đánh cắp thông tin trên Adobe Systems. Và, vừa tháng trước, cửa hàng bách hóa Neiman-Marcus cũng thông báo một vụ tương tự.
Những con số chi tiết còn tạo ấn tượng mạnh hơn. Tổng cộng, thế giới thiệt hại 11,3 tỉ USD vì gian lận thẻ thanh toán trong năm 2012, tăng gần 15% so với năm 2011. Trong đó, Mỹ - nước duy nhất ghi nhận gian lận thẻ gia tăng nhanh chóng – chiếm đến 47%. Các nhà phát hành thẻ mất 3,4 tỉ USD trong khi các nhà buôn mất 1,9 tỉ USD.
Một khảo sát được công ty nghiên cứu thị trường Aite Group và hãng phần mềm thanh toán ACI Worldwide công bố năm 2012 cho thấy 42% người Mỹ đã gặp phải trường hợp gian lận thẻ thanh toán (dưới một số cách thức) trong 5 năm trước đó. Và, không chỉ riêng người Mỹ bị ảnh hưởng.
Người nước người bị đánh cắp thông tin thẻ thường nhận thấy những tên trộm dễ dàng bước vào các cửa hàng và mua đồ bằng những tấm thẻ giả. Trong trường hợp này, các chủ thẻ ở châu Âu là nhóm có nhiều nhất thẻ tín dụng giả được sử dụng ở Mỹ.
Một phần nguyên nhân khiến bọn trộm nhắm tới Mỹ nhiều nhất là bởi đây cũng là nơi sử dụng nhiều thẻ nhất. Đến cuối năm 2013, tổng cộng có 1,2 tỉ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước được lưu hành ở Mỹ - nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác. Tính trung bình, mỗi người Mỹ trưởng thành có 5 tấm thẻ.
Thêm vào đó, người Mỹ cũng góp phần giúp những kẻ trộm cắp hoạt động dễ dàng hơn. Trong số các nước phát triển, Mỹ là nước duy nhất vẫn phụ thuộc duy nhất vào thẻ từ. Đây là loại thẻ kém an toàn hơn rất nhiều so với công nghệ “chip và PIN” vốn đã được sử dụng phổ biến ở những nơi khác.
Tính đến cuối năm 2012, 45% thẻ thanh toán và 76% máy thanh toán trên toàn thế giới đã được trang bị công nghệ “chip và PIN”. Năm 2011, công nghệ này đã giúp tỉ lệ gian lận thẻ ở Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỉ. Còn ở Canada, thẻ chip được sử dụng phổ biến cũng giúp mức độ thiệt hại giảm từ 142 triệu đôla Canada (tương đương 129 triệu USD) trong năm 2009 xuống còn 38,5 triệu đôla Canada trong năm 2012.
CFO của Target tuyên bố sẽ bỏ ra 100 triệu USD để triển khai công nghệ “chip và PIN”. Người tiêu dùng gây áp lực buộc các nhà phát hành thẻ khác phải làm điều tương tự. Mặc dù sự chuyển đổi này có thể khiến các công ty phát hành thẻ và nhà buôn phải tiêu tốn khoảng 8 tỉ USD, lợi ích lâu dài chắc chắn sẽ lớn hơn con số trên.
Không chỉ giảm thiểu những khoản tiền bị mất vì gian lận thẻ, công nghệ “chip và PIN” cũng dung hòa tiêu chuẩn của Mỹ và tiêu chuẩn toàn cầu, giúp người Mỹ dễ dàng sử dụng thẻ ở nước ngoài và ngược lại. Hơn nữa, bởi vì các quy định mới khiến các ngân hàng kiếm được ít tiền hơn từ phí đánh vào thẻ ghi nợ, ngân hàng buộc phải cắt giảm chi phí. Trong khi đó, thiệt hại từ gian lận thẻ sẽ không còn nằm trong tầm kiểm soát của các ngân hàng như trước kia.
Theo Trí Thức Trẻ/Economist