vietnamese Tiếng Việt english English
Hôm nay:
Bài mới đăng:

Cách phòng chống khi bé bị tiêu chảy trong dịp tết

Tết đến, trong nhà sẽ có rất nhiều những món ăn hấp dẫn bé. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của bé không thể nào… “lớn kịp” chỉ trong mấy ngày để tiêu thụ lượng thức ăn này, làm bé dễ bị chứng khó tiêu, đầy bụng thậm chí nôn ói, tiêu chảy.
Vì vậy mà cha mẹ cần tránh cho bé ăn quá nhiều món, đặc biệt món mới, quá nhiều bữa, ăn quá nhanh, quá nhiều. Cha mẹ nên duy trì chế độ ăn của bé như ngày thường, cân đối đầy đủ 4 nhóm chất và cung cấp đủ nước. Mặc khác, cũng nên lưu ý đến chất xơ (rau quả) vì những chất này tốt cho hệ tiêu hóa của bé, tránh táo bón nhưng lại dễ bị thiếu trong thực phẩm ngày Tết.
Sự thay đổi nguồn thức ăn, cách chế biến, dự trữ , sử dụng cơm hàng quán điều kiện vệ sinh không đảm bảo, giờ giấc ăn uống thay đổi cũng dễ làm cho đường ruột còn non nớt của trẻ bị các tác nhân xấu tấn công gây tiêu chảy.
Cách phòng chống khi bé bị tiêu chảy trong dịp tết

Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy, nôn ói?

- Thường bạn có thể phòng mất nước cho trẻ nếu cho uống đủ lượng dịch ngay khi mới bị tiêu chảy. Sữa mẹ vừa là thức ăn vừa là loại “nước” rất tốt, cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt và mỗi bữa cho bé bú lâu hơn. Nếu con của bạn được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chỉ cần sữa mẹ và nước chín là đủ. Các trường hợp khác cần cho trẻ uống thêm các loại nước sau: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín. Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn. Tuy nhiên nếu trẻ quá “thèm”, bạn có thể dùng nhưng phải pha loãng ít nhất 3-4 lần. Tránh các thức uống có cà phê. Cho trẻ uống nhiều tùy theo khả năng của trẻ. Cần phải uống chậm, từng muỗng (từng ngụm nếu trẻ lớn hơn). Nếu trẻ bị ói thì ngưng lại khoảng 10 phút, sau đó cho trẻ uống lại nhưng chậm hơn.
- Oresol là dung dịch bù nước và điện giải thường dùng để bù nước ở trẻ tiêu chảy có mất nước theo y lệnh bác sĩ trong cơ sở y tế. Nếu trẻ không mất nuớc thì chỉ dùng sau khi tiêu phân lỏng. Bạn phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn cách pha trên bao bì và cho bé uống lượng thích hợp (khoảng 10ml/kg) sau khi bé tiêu lỏng. Không được dùng uống thay thế nước cả ngày.
- Bạn nên lưu ý cho bé ăn, bú nhiều ngay cả khi bị tiêu chảy. Tuyệt đối không được bắt trẻ nhịn ăn để “ruột nghỉ ngơi”. Điều này hết sức sai lầm và rất nguy hiểm. Cho trẻ ăn sớm sẽ có tác dụng tốt lên tiến trình của bệnh. Thức ăn đủ 4 nhóm thức phẩm, không cần phải “đặc biệt” gì hơn cả. Chú ý nấu nhừ, chia làm nhiều bữa.
- Có thể cho trẻ uống thêm men tiêu hóa (probiotic) trong các ngày đầu của bệnh để giúp tái lập lại hệ vi sinh đường ruột sau khi bị rối loạn.
+ Đem bé đến cơ sở y tế ngay khi:
+ Bé bỏ ăn, bỏ bú
+ Bé mệt, bệnh nhiều hơn
+ Bé rất khát nước
+ Bé ói liên tục
+ Bé sốt cao khó hạ
+ Bé tiêu phân có máu
+ Bé li bì, khó đánh thức
+ Bé có co giật